“Cờ vây cho người khuyết tật” có thể là một bước tiến lớn trong hành trình thay đổi thế giới
浅野 史郎(Shiro ASANO)
Giảng viên thỉnh giảng, Đại học Kanagawa
(Nguyên Chủ tịch tỉnh Miyagi)
Cờ vây đang dần trở thành một thú vui đối với người khuyết tật. Bản thân tôi không phải là một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp, nhưng tôi có một số hiểu biết sâu sắc về người khuyết tật. Từ quan điểm đó, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ về “Người khuyết tật và cờ vây”.
Người khuyết tật chơi cờ vây vì nó mang lại niềm vui cho họ. Khi đánh cờ với đối phương, ta có cơ hội được giao tiếp với người đối diện. Đặc biệt đối với những người khuyết tật ít có kinh nghiệm giao tiếp với người khác, cờ vây mang đến cho họ một cơ hội được giao lưu với thế giới.
Không chỉ giới hạn ở niềm vui, đối với những người bị suy giảm chức năng não, chơi cờ vây còn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe. Những người khuyết tật chậm phát triển có thể rèn luyện khả năng tập trung và năng lực chú ý của họ thông qua cờ vây. Đối với người khuyết tật thì đây lại là niềm hành phúc lớn lao hơn cả.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi nhìn thấy người khuyết tật chơi cờ vây. Và tôi là một trong số họ. Người khiếm thị chơi cờ vây bằng cách sử dụng aigo (bàn cờ được thiết kế dành cho người khiếm thị) và người khuyết tật nặng đến mức không thể nhấc được quân cờ lên cũng có thể thi đấu với một người khỏe mạnh. Aigo được phục hưng bởi ông Mitsuharu Kakijima, chủ tịch Hiệp hội cờ vây Nhật Bản và được sản xuất tại “Shinwaya Ekubo,” một cơ sở hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật trí tuệ ở Manda, Hiratsuka.
Người khuyết tật nặng chơi cờ vây, người khuyết tật trí tuệ tạo ra các sản phẩm như aigo. Chỉ thế thôi đã đủ làm phá vỡ những hiểu lầm và định kiến như “Người khuyết tật không thể làm gì cả, họ thật đáng thương”. Có vẻ như thế vận hội Paralympic đã góp phần thay đổi nhận thức về người khuyết tật ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn có nhiều người không thể thoát khỏi cảm giác rằng “người khuyết tật khác với chính họ”. Tôi mong muốn họ có thể chứng kiến hình ảnh người khuyết tật vui vẻ chơi cờ vây.
Nếu như chúng ta nhận thức được “cờ vây cho người khuyết tật” có nghĩa là chúng ta đã tìm đến được cánh cửa mở ra một lỗ hổng trên bức tường ngăn cách người có và không có khuyết tật. Tôi kỳ vọng rằng “cờ vây cho người khuyết tật” sẽ là một bước tiến lớn trong hành trình thay đổi thế giới.