1. HOME
  2. Giao dịch quốc tế

Cùng chung sống dưới một mái nhà

柿島 光晴
(Mitsuharu KAKIJIMA)

Chủ tịch Ủy ban điều hành giải đấu cờ vây cho các trường khiếm thị trên toàn quốc,
kỳ thủ khiếm thị, cấp độ 4 dan nghiệp dư

Tôi đã bắt đầu học cờ vây từ năm 2003.
 Khi đó, tôi đã hoàn toàn mất thị lực và không thể dùng mắt để nhận biết được bàn cờ.
 May mắn thay, tôi tình cờ biết đến aigo, bàn cờ giúp cho người khiếm thị có thể chạm vào và hình dung được vị trí của những quân cờ.
 Với Aigo, giờ đây tôi có thể thi đấu bình đẳng trên bàn cờ với những cả người không bị suy giảm thị lực.
 Theo tôi biết, không có trò chơi nào mà người khiếm thị có thể chơi mà không bị căng thẳng và không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ người khác.
 Vì thế, có thể nói cờ vây là môn thể thao trí tuệ mà những người khiếm thị khi chơi bị chìm đắm vào thế giới bàn cờ vây giống như vũ trụ bao la đó và quên đi ranh giới ánh sáng của chính bản thân mình.

 Điều tuyệt vời nhất mà tôi cảm nhận được khi chơi cờ vây đó là tôi là một nhân tố đang tồn tại trên thế giới này.
 Những khiếm khuyết trên cơ thể đã biến mất và cả gánh nặng về thể xác cũng tan biến lúc nào không hay, thứ hiện hữu ngay trước mắt tôi lúc này chỉ còn là cảm giác muốn đi những nước cờ cao tay hơn đối phương và giành chiến thắng.
 Cứ như thế, cuộc đấu trí trên bàn cờ vô tình làm cho đối phương và chính bản thân mình đều có chung một suy nghĩ.
 Sau khi trận đấu kết thúc, không phân biệt ngôn ngữ, tuổi tác, địa vị, ngoại hình, thắng bại sẽ là thứ quyết định tất cả.
 Người thua cuộc sẽ cảm thấy tiếc nuối, người chiến thắng sẽ cảm thấy hạnh phúc.
 Thứ duy nhất còn đọng lại trong không gian lúc này chỉ là cảm giác an yên và dung dị.
 Trong khi thay phiên nhau đặt từng quân cờ trên bàn vào vị trí chính xác, tự nhiên ta có thể hiểu được đối phương đang nghĩ gì và ngược lại suy nghĩ, cảm xúc của ta cũng được gửi gắm đến phía bên kia.

 Thông qua cờ vây, tôi muốn tạo ra một sợi dây kết nối tất cả những người khiếm thị trên toàn thế giới lại với nhau.
 Cho đến nay, tôi đã tổ chức đại hội cờ vây dành cho các trường khiếm thị Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc tại thành phố Ofunato, tỉnh Iwate, nơi chịu thiệt hại bởi trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản.
 Hình ảnh những người khiếm thị vượt qua ranh giới quốc gia, khu vực cùng tập trung tại vùng đất đã từng chịu thảm họa và cùng nhau thắt chặt tình đoàn kết thông qua cờ vây đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và mang đến hi vọng cho rất nhiều con người đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực khác nhau.
 Với sự tham gia của các trường khiếm thị tại Nhật Bản, trường khiếm thị Qiming thành phố Đài Bắc – Đài Loan, trường khiếm thị Gangwon Meijin – Hàn Quốc, hiện nay, cờ vây đang dần được phổ cập rộng rãi từ Châu Á sang Châu Âu và Hoa Kỳ. Vào tháng 9 năm nay (2020), chúng tôi dự định tổ chức đại hội cờ vây cho các trường khiếm thị trên toàn thế giới như là một sự kiện chính của Liên hoan nghệ thuật cờ vây thế giới.
 Tôi đã liên hệ và nhận được những phản hồi tích cực từ trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu ở Việt Nam và trường INJA ở Paris, Pháp.

 Khi viết ra những điều này, tôi chân thành hy vọng rằng những người khiếm thị như mình sẽ có cơ hội để thoát ra khỏi thế giới của bóng tối, bất kể có khiếm khuyết hay không thì chúng ta vẫn phải nỗ lực mỗi ngày và tôi luôn ấp ủ mong muốn tạo ra một xã hội nơi mà tất cả mọi người đều có thể gắn kết với nhau thông qua bộ môn cờ vây.
 Bằng cách đó, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người có thể nhận ra một điều đơn giản và vô cùng quan trọng trong thế giới này là chúng ta đều là con người và chung sống bình đẳng với nhau.